Giới thiệu về chúng tôi
Nhờ tích cực đổi mới, sáng tạo, xây dựng phương án hoạt động hiệu quả, những năm qua, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Kinh doanh dịch vụ Tiền Phong (xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) duy trì sản xuất hiệu quả và ngày càng phát triển, trở thành điểm tựa vững chắc cho nhà nông phát triển kinh tế.
Mô hình kinh tế tập thể kiểu mới
HTX Tiền Phong là mô hình HTX tiên tiến, điển hình sinh động về mô hình HTX liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Ông Dương Thái Xuân Tuấn - Giám đốc HTX Tiền Phong cho biết, năm 2013, với số vốn ban đầu là 1,4 tỷ đồng và 7 thành viên, HTX được thành lập với nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh, trong đó tập trung lĩnh vực liên kết với nông dân sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông lâm đặc sản sạch của các địa phương, cung cấp, tư vấn kỹ thuật nuôi, trồng, chăm sóc các loại cây, con trong kinh tế vườn, kinh tế trang trại, cây lâm nghiệp, dược liệu khu vực trung du miền núi...
Hợp tác xã Tiền Phong với hoạt động chủ lực là ươm cây giống và liên kết sản xuất. Ảnh: T.H
Theo ông Tuấn, vùng đất Tiên Phước có khí hậu giao thoa giữa miền Nam và miền Bắc nên phù hợp với những loại cây ăn quả dài ngày như: Măng cụt, sầu riêng, cây dược liệu… Đất hiện vẫn chủ yếu trồng keo nên chưa phát huy hết tiềm năng, chỉ cần cải tạo là có thể trồng được nhiều loại cây khác.
Ban đầu, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng sau hơn 4 năm hoạt động, được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng ủy, UBND xã Tiên Phong, các cơ quan ban ngành của huyện Tiên Phước, cùng sự cố gắng, nỗ lực của các thành viên trong HTX, đến nay, HTX đã đầu tư xây dựng trụ sở làm việc kiên cố, cải tạo mặt bằng để trồng nhiều lại cây.
Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường hàng nghìn cây giống, con giống với doanh thu lên tới hơn 1,4 tỷ đồng. Xác định đây là giai đoạn đầu tư, HTX không đề cao lợi nhuận mà tập trung mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Liên kết, hỗ trợ đầu ra cho nông dân
Ông Tuấn cho biết, những năm qua, HTX phối hợp cùng Ban quản lý Chương trình xây dựng nông thôn mới xã Tiên Phong tổ chức tập huấn cho nhân dân xây dựng cánh đồng 8ha lúa áp dụng kỹ thuật cao 3 giảm (giảm giống, giảm phân đạm, giảm thuốc trừ sâu), 3 tăng (tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập). Kết quả là năng suất của cánh đồng cao hơn mức sản xuất bình thường của người dân từ 1 – 1,2 tấn/ha.
HTX cũng liên kết với các nhóm nông dân miền núi sản xuất, tiêu thụ rau củ cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Phước Sơn, tiêu thụ nếp cái hương bầu, sa nhân tím, quế, gà thả vườn, lợn thả đồi. Cùng với đó, tổ chức hơn 15 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng và bán trả sau cây giống cho hơn 500 nông dân.
Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, ông Tuấn cho biết, hiện tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là huyện Tiên Phước, chủ trương khuyến khích nông dân phát triển cây ăn quả dài ngày trong kinh tế vườn, kinh tế trang trại; trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu sa nhân, ba kích, đinh lăng,...
Do đó, HTX mong muốn được phối hợp với các địa phương, liên kết với các nhóm nông dân, tổ hợp tác, HTX chuyển giao kỹ thuật trồng cây, thiết kế vườn, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, cung cấp cây giống chất lượng theo hình thức bán nợ cho nông dân và bao tiêu sản phẩm đầu ra.