Chè dây được đồng bào Cơ tu gọi tên là Ra Zéh. Ra Zéh là loại chè dây được đồng bào Cơ tu huyện Đông Giang sử dụng như một vị thuốc dân gian chữa được nhiều loại bệnh.
Năm 2018, chè dây Za réh của Hợp tác xã xã Tư (Đông Giang) được xếp hạng là sản phẩm OCOP ba sao cấp tỉnh. Với các tác dụng từ kháng viêm, lành vết loét, an thần, trị huyết áp cao..., dần dà, chè dây của đồng bào Cơ Tu từng bước ra thị trường và được người tiêu dùng tin tưởng. Chè dây thu hoạch sau thời gian sinh trưởng 10-12 tháng, thu hoạch 3-4 lần trong năm, năng suất bình quân 6-8 tấn/ha/năm. Hiện nay, giá loại dược liệu này dao động từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg khô (tương đương 170 triệu đồng/ha/năm) lợi nhuận cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.
Đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp xã Tư cho biết, sau khi đầu tư lại việc sản xuất chế biến, từ các khâu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sau đó là tiếp tục kiểm nghiệm và công bố sản phẩm đạt an toàn, sản phẩm đã từng bước được bán ra thị trường. Hiện nay, một số đơn vị như Công ty Dược sâm Ngọc Linh Quảng Nam đã có ý hướng hợp tác để thu mua, chế biến thành các sản phẩm khác, như thuốc, dược liệu, cao chè dây…
Chè dây Razéh đang được định hướng là cây chủ lực xóa đói giảm nghèo cùng với trồng keo nguyên liệu. Theo đó, chính quyền địa phương đã tuyên truyền cho bà con lấy cây này làm cây trồng chủ lực trong thời gian đến, với mục tiêu bảo tồn loại cây quý hiếm của đồng bào Cơ Tu và hướng tới xây dựng vùng sản xuất chuyên canh, tạo sản phẩm hàng hóa, giúp người dân phát triển kinh tế hộ, xóa đói giảm nghèo bền vững. Cùng với các dược liệu của miền núi Quảng Nam, chè dây Ra zéh một khi định hình được thương hiệu của mình sẽ là những đặc sản quý giá của Quảng Nam.
Ông Nguyễn Văn Bình- Chủ tịch UBND xã Tư cho biết: “Trong những năm gần đây, với những công dụng của cây chè dây nên thị trường tiêu thụ tương đối lớn, nên chính quyền xã Tư nói riêng và huyện Đông Giang nói chung đang tập trung thực hiện công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm thị trường, tích cực đưa Chè dây ở xã Tư tham gia hội chợ và được khách hàng ưa chuộng, sau khi sử dụng bà con tiếp tục đặt hàng và giới thiệu cho nhiều người sử dụng. Với nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều, nên bà con trong xã không đủ hàng cung cấp ra thị trường”.
Theo dự án bảo tồn và phát triển chè dây Ra Zéh, trong thời gian qua đã hoàn thành công tác lập dự án, quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển cây chè dây. Thành lập các tổ hợp tác sản xuất, thu mua, chế biến sản phẩm chè dây. Đến năm 2020, tổng diện tích cây chè dây là 140ha, trong đó trồng mới 40ha và khoanh nuôi trổng bổ sung 100ha; năng suất đạt 1,5-2 tấn khô/ha/năm. Tổng sản lượng chè dây đạt: 250 tấn khô/năm…Bên cạnh đó, hiện nay, chính quyền huyện Đông Giang đã và đang có chính sách bảo tồn, phát triển cây chè dây Ra Zéh trên địa bàn xã Tư, giai đoạn 2015-2020 với tổng kinh phí dự án hơn 4,7 tỷ đồng.
Nếu xây dựng thành công vùng sản xuất chè dây Ra Zéh chuyên canh tập trung sẽ tạo sản phẩm hàng hóa, khai thác tốt các nguồn lực, tiềm năng đất đai, lao động, qua đó giúp người dân phát triển kinh tế hộ, cải thiện đời sống, thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng thành công NTM trên địa bàn huyện Đông Giang./.