Khoai chà - ocop
Sản phẩm khoai chà của HTX An Xuân Sơn (thôn An Phú, xã Quế Mỹ, Quế Sơn, Quảng Nam) mới đây trở thành sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Điều này không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà còn giúp bảo tồn các món ăn dân dã, truyền thống của người dân xứ Quảng.
Là xã có truyền thống trồng khoai lang, với hơn 150 hộ trồng khoai, mỗi năm xã Quế Mỹ cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn khoai Trùi Sa, giống khoai ruột trắng, bột nhiều, bùi và thơm ngon và là nguyên liệu làm thành khoai chà.
Món ăn dân dã, đậm hương vị quê hương
Để chế biến thành sản phẩm khoai chà thì sau khi thu hoạch, người dân đã lấy củ khoai cắt bỏ hai đầu và những chỗ bị sâu, sùng đục rồi rửa thật sạch trước khi đem nấu. Khi khoai vừa chín tới, nước vừa cạn thì nhấc xuống bếp, để nguội, cho vào cối giã, bóp nát đều rồi đem phơi nắng 2 - 3 ngày.
Sau đó, sử dụng đường bát nấu với gừng tươi, đến khi nước đường đặc quánh, đổ khoai chà vào trộn đều tay, nhấc xuống để nguội, đánh tơi, đóng gói thành sản phẩm khoai chà ngào đường và bánh khoai chà ngào đường.
Khoai chà trộn với đường in thành bánh chà đường (Ảnh: TL) |
Theo anh Bùi Khắc Sơn (thôn An Phú), nếu chỉ nhìn vào công thức thì làm khoai chà rất dễ nhưng lại không hề đơn giản bởi còn lệ thuộc vào "ông Trời". Nếu làm ra gặp trời mưa thì khoai bị hư, hoặc kém chất lượng không bán được.
Nhưng với kinh nghiệm lâu năm, phần lớn các hộ dân nơi đây đều "căn" thời tiết để có kế hoạch sản xuất nên đa số khoai chà ở đây cho hương vị rất thơm, ngon. Chỉ riêng gia đình anh Sơn, mỗi mùa làm được khoảng 700kg khoai chà khô, bán giá là 30 nghìn đồng/kg, thu nhập khoảng 20 triệu đồng… giúp kinh tế gia đình ngày một khấm khá.
Không chỉ là món ăn dân dã, Khoai chà còn được đánh giá là thực phẩm có chứa nhiều vitamin và khoáng chất, giàu hàm lượng canxi, cùng củ gừng được dùng để chống nhiễm trùng đường tiêu hóa và phòng chống ngộ độc thực phẩm, tạo nên một sản phẩm ngon, bổ dưỡng có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng. Do đó, những năm gần đây, khoai chà được thị trường tiêu thụ khá mạnh, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.
Con đường trở thành sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh
Nhận thấy lợi thế, tiềm năng của sản phẩm khoai chà, HTX An Xuân Sơn đã tổ chức thu mua, chế biến, đóng gói khoai chà nhằm xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Tháng 8/2018, HTX An Xuân Sơn bắt tay vào việc thu mua nguyên liệu, chế biến và đóng gói các loại sản phẩm như khoai chà, khoai chà ngào đường, khoai măng, khoai măng đường.
Ông Bùi Khắc Sơn - Giám đốc HTX An Xuân Sơn cho biết, địa phương có khoảng 20 ha đất chuyên canh cây khoai lang, năng suất bình quân đạt 8 tấn củ tươi/ha/vụ, đây được xem là nguồn nguyên liệu chủ yếu phục vụ cho khâu chế biến, đóng gói các loại sản phẩm.
Khoai chà của HTX An Xuân Sơn đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh (Ảnh: TL) |
Để tạo sự khác biệt cho sản phẩm khoai chà, HTX đã ép khuôn làm bánh khoai chà ngào đường và in bao bì, nhãn mác để sản phẩm thêm bắt mắt, đem lại sự yên tâm cho người tiêu dùng.
“Theo thống kê sơ bộ, trong hơn 1 năm rưỡi qua, trung bình mỗi tháng đơn vị sản xuất, cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 200 kg khoai chà các loại với giá bán bình quân 50 nghìn đồng/kg. Sản phẩm được người dân ở nhiều nơi đặt hàng và đến tận nơi để mua”, ông Sơn cho biết.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Đình Phú, một người đã gắn bó lâu năm với nghề khoai chà, tâm sự: “Trước đây, chủ yếu làm khoai chà để dùng trong gia đình, buôn bán không được bao nhiêu, nhưng từ khi có HTX, khoai chà đã có được đầu ra, thu nhập của bà con cũng ổn định và chúng tôi rất phấn khởi”.
Cuối năm 2019, sản phẩm khoai chà của HTX An Xuân Sơn đã được UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện HTX này đang nỗ lực phát triển hoàn thiện sản phẩm, nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu OCOP bền vững.
Tuy nhiên, HTX rất cần sự quan tâm, đồng hành của các cấp, các ngành trong việc tạo điều kiện tiếp cận với các kênh vốn ưu đãi để đầu tư đồng bộ hệ thống kho bãi, khu vực bảo quản, chế biến sản phẩm và dây chuyền, trang thiết bị máy móc hiện đại, khép kín. Từ đó, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị sản xuất khoai chà theo phương thức hàng hóa.
“Thời gian tới HTX sẽ tập trung mở rộng vùng nguyên liệu, hỗ trợ nông dân ứng dụng rộng rãi các gói kỹ thuật tiên tiến trong quá trình canh tác. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá để sản phẩm OCOP khoai chà Quế Mỹ có sức lan tỏa trên thị trường”, ông Sơn cho biết thêm.