Sâm dây phước sơn - hộp 500gr

CODE-1448
Mô tả sản phẩm

Sâm Dây Phước Sơn - Hộp 500Gr

 

Trong khi những loại cây dược liệu quý là sâm dây và sâm 7 lá hoa ngày càng bị cạn kiệt ở rừng, người dân Bh’noong ở thôn 5 và thôn 6 (xã Phước Lộc, Phước Sơn) đã tự nhân trồng, thuần dưỡng, biến loại sâm hoang dã thành cây trồng kinh tế, mở ra hướng thoát nghèo cho đồng bào vùng cao.

Di thực cây sâm

Cây sâm dây, sâm 7 lá hoa dễ trồng, dễ chăm sóc và hiệu quả kinh tế cao nên nhiều người dân thôn 5 và thôn 6 (xã Phước Lộc) đã tự tìm hiểu cách trồng và làm giàu từ giống cây này. Ông Hồ Văn Yên (thôn 6) là một trong những người tiên phong về việc di thực cây sâm 7 lá hoa về trồng ở rẫy của gia đình. Là người địa phương nên ít nhiều ông cũng hiểu biết về tác dụng của cây sâm đối với sức khỏe con người nên ngay từ năm 2009, khi người dân ở đây khai thác sâm ồ ạt, ông cũng vào rừng đào củ sâm. Củ to thì ông đem bán, củ nhỏ ông mang lên rẫy trồng với mục đích vừa để bảo tồn giống cây quý này, vừa gây dựng vườn sâm để có thu nhập ổn định, lâu dài cho gia đình. Ông nói về những ngày đầu làm quen với cây sâm 7 lá hoa: “Bản thân thấy củ sâm trước năm 2010, hàng quán họ mua giá cao, người dân mình khai thác kiểu tận diệt để bán, trong rừng ngày càng cạn kiệt loại sâm quý này. Do vậy tôi trồng thử, ban đầu trồng củ sâm bị thối, không phát triển. Sau một thời gian nghiên cứu về đặc tính của cây sâm thường sống ở ven những con suối nhỏ, ưa mát nên tôi đem trồng lại, ai ngờ cây phát triển tốt. Giờ gia đình đã có diện tích khoảng 500m2 sâm 7 lá hoa, dự kiến sang 2015 là bắt đầu khai thác”.
Ông Hồ Văn Lá (thôn 5, Phước Lộc) cũng trồng sâm dây cho thu nhập cao, mỗi năm ông thu về hơn một tạ sâm. Ông nói: “Ban đầu tôi cũng không biết trồng sâm dây đâu, vì trong rẫy nhà tôi có sâm dây, chưa khai thác vội, tôi để sâm lớn bán có giá hơn, không ngờ sâm ra hoa, có hạt và rụng xuống lại mọc ra những cây sâm con. Từ đó tôi mới phát dọn rẫy để cây sâm phát triển và chuyển hướng trồng chuyên canh luôn. Với 3 sào trồng sâm, hằng tháng cho 10 - 15kg sâm dây tươi. Kinh tế của gia đình từ đây mà khá lên, nhiều vật dụng dùng cho gia đình được sắm sửa, con cái có thêm điều kiện học hành”. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ cây sâm dây, sâm 7 lá hoa, nhiều hộ dân của thôn 5 và thôn 6 đã tin tưởng và làm theo, đến nay thì hầu như nhà nào của 2 thôn cũng có diện tích trồng sâm.

Những củ sâm 7 lá hoa được người dân thôn 6 rửa sạch chuẩn bị đem đi bán. Ảnh: H.Yên
Những củ sâm 7 lá hoa được người dân thôn 6 rửa sạch chuẩn bị đem đi bán. Ảnh: H.Yên

Mở rộng diện tích

Không phải nhọc công mang gùi, vác cuốc vào rừng sâu lùng sục, giờ đây các hộ dân ở Phước Lộc có thể vào những vùng rẫy của nhà mình để đào củ sâm về bán quanh năm. Hiện nay, trên thị trường, sâm dây và sâm 7 lá hoa đang được giá. Chị Hà Thị Hường, một chủ tiệm tạp hóa ở trung tâm xã Phước Lộc cho biết sâm dây đang được thu mua mạnh, mỗi ký sâm dây tươi có giá 200 – 250 nghìn đồng, sâm dây khô có giá từ 0,8 - 1 triệu đồng/kg; còn sâm 7 lá hoa giá sâm tươi khoảng 700 – 800 nghìn đồng/kg, khô có giá khoảng 3,5 triệu đồng/kg.