Đĩa chùa cầu - ocop
Ông Phan Xuân Nguyên với sản phẩm OCOP “đĩa Chùa Cầu”. Ảnh: Q.T
Ông Phan Xuân Nguyên chia sẻ: “Chùa Cầu là một trong những biểu tượng rõ nét nhất khi du khách nhớ về Hội An. Lồng ghép hình ảnh chùa Cầu vào sản phẩm mộc của cơ sở đã có từ năm 2005, nhưng tạo ra một sản phẩm gọn nhẹ, tinh tế để dễ đến với du khách nhất thì chúng tôi mới quyết tâm làm trong 2 năm trở lại đây, từ khi tham gia chương trình OCOP”.
Được hỗ trợ 120 triệu đồng từ chương trình OCOP để mua máy khắc CNC, ông Nguyên suy nghĩ, nghiên cứu chế tác hình mẫu sản phẩm. Khởi đầu thất bại, hỏng một lô hàng, ông phải thuê người vẽ lại hình mẫu để đưa vào máy khắc CNC. Qua 4 - 5 lần chỉnh sửa, đến khoảng tháng 6.2018 cơ sở của ông Nguyên mới có thể cho ra những chiếc “đĩa Chùa Cầu” đầu tiên.
Sản phẩm nhanh chóng tạo tiếng vang và nhận được đánh giá cao của chính quyền TP.Hội An. Sản phẩm “đĩa Chùa Cầu” của cơ sở ông Nguyên được UBND thành phố đặt hàng sản xuất để làm quà lưu niệm tặng thành phố kết nghĩa Wernigerode (Đức) trong dịp giao lưu giữa hai địa phương tại Đức.
“Nguyên liệu sản xuất chủ yếu từ gỗ mít và keo lá tràm nên sản phẩm có giá không quá 300 nghìn đồng. Mỗi chiếc đĩa sau khi sản xuất bằng máy tự động sẽ được người thợ hoàn thiện trong khoảng 15 phút. Lo nhất bây giờ là đầu ra sản phẩm khi không có du khách do ảnh hưởng của dịch Covid-19” - ông Nguyên nói.
Dù dịch Covid-19 khiến công tác xúc tiến, quảng bá thương hiệu bị hạn chế nhưng thời gian qua nhờ tham gia chương trình OCOP và được TP.Hội An tạo điều kiện, sản phẩm “đĩa Chùa Cầu” đã tham dự một số chương trình quảng bá trên địa bàn tỉnh và tại “Những ngày văn hóa TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) - Hội An”. Được hỗ trợ làm bao bì, mã vạch bảo hộ sản phẩm, “đĩa Chùa Cầu” mạnh dạn hướng đến nâng tầm xếp hạng OCOP cấp tỉnh từ 3 sao lên 4 sao trong năm nay. Ông Nguyên cho biết, cơ sở vẫn đang nghiên cứu hoàn thiện thêm một số họa tiết để thời gian tới sản phẩm trở thành món hàng lưu niệm không thể bỏ qua của du khách khi đến với Hội An.